DI TÍCH CẤM AN SƠN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

DI TÍCH CẤM AN SƠN

Di tích Cấm An Sơn- Nơi thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn năm 1945, tại xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

 

ĐIỂM DỪNG CHÂN 1:  Sân lớn

Chào mừng du khách đến tham quan Di tích Cấm An Sơn- Nơi thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn năm 1945, tại xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Tôi là…………………….., thuyết minh viên rất hân hạnh được chào đón quý khách đến với mảnh đất Hoài Châu anh hùng, đến thăm nơi thành lập Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn năm 1945, tại xã Hoài Châu.

Ngay sau đây, xin mời quý vị cùng chuyển qua tham quan khu Di tích Cấm An Sơn.

 ĐIỂM DỪNG CHÂN SỐ 2: Bia đá

Thưa quý khách, Khu Di tích Cấm An Sơn xã Hoài Châu tọa lạc tại thôn An Sơn, xã Hoài Châu, cách trung tâm thị xã khoảng 15 km về phía Bắc.

Cấm An Sơn thuộc thôn An Sơn, xã Hoài Châu, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, địa hình nơi đây là một động cát dài khoảng hơn 1km, trên đó có một số loài cây mọc dày đặc, trong đó có một loài cây tên gọi là cây Sơn mọc khắp trên động cát từ Đông sang Tây, tạo thành một khu rừng tự nhiên nằm bên bờ Bắc dòng suối Lò Giấy. Theo quy ước “bất thành văn” của người dân địa phương từ xa xưa, không ai được chặt phá cây cối. Chính vì vậy, danh từ Cấm An Sơn được đặt tên cho khu rừng này. Lợi dụng địa hình hẻo lánh, hiểm trở, ít người qua lại, địch khó phát hiện nên các bật tiền bối hoạt động cách mạng đã chọn Cấm An Sơn là nơi nuôi dưỡng và che chở cho cách mạng Hoài Nhơn trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng thời nơi đây cũng chính là cái nôi hình thành và nuôi dưỡng Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn cùng đại đội tự vệ vũ trang, tiền thân của tiểu đoàn 94, 95 sau này.

Kính thưa quý khách

Đầu tháng 3/1941, mâu thuẫn Nhật - Pháp lên tới tột đỉnh, đêm ngày 09 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật đã tiến hành cuộc đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Ngày 13 tháng 8 năm 1945, tại Tân Trào đã diễn ra Đại hội quốc dân toàn quốc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa. Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi Nhân dân “hãy đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Đêm 13/8/1945, Trung ương lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, Ủy ban khởi nghĩa đã ra “Quân lệnh số 1”, hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Cả nước sôi sục khí thế cách mạng. Ở Hoài Nhơn, thi hành chủ trương của Ủy ban vận động cứu quốc cấp Tỉnh, tháng 4/1945, đã mở cuộc họp thành lập Ủy ban vận động cứu quốc Hoài Nhơn, đến tháng 7/1945, Ủy ban vận động cứu quốc Hoài Nhơn chuyển về Cấm An Sơn, Hoài Châu để chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Ngày 19 tháng 8 năm 1945, tại Cấm An Sơn, Việt Minh Phủ Ái tổ chức cuộc họp mở rộng. Hội nghị  quyết định chuyển Ủy ban vận động cứu quốc phủ thành Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Trịnh Hồng Kỳ làm trưởng ban; chọn một số đơn vị tự vệ sắt các làng để lập đại đội tự vệ sắt tập trung đầu tiên của huyện; ra lệnh giới nghiêm, bắt một số tên tay sai Nhật có nhiều nợ máu, tất cả khẩn trương chờ lệnh cướp chính quyền của tỉnh; chọn khu vực Cấm An Sơn làm địa điểm hội họp bí mật của Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn và là bãi tập luyện quân sự, luyện tập võ cổ truyền chuẩn bị tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945.

 Mở đầu cho việc cướp chính quyền trong huyện, ngày 27 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn đã huy động 3.000 quần chúng, cướp chính quyền tại Nha bang tá Tam Quan, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời Thị A, do đồng chí Lê Lăng làm chủ tịch.

 Ngày 29 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn huy động trên 8.000 quần chúng do đồng chí Trịnh Hồng Kỳ chỉ huy đã rầm rộ kéo về phủ đường và đồn Bồng Sơn để chiếm các công sở và phá bưu điện, trạm xá… của Nhật, thu hơn 100 khẩu súng.

Hơn 01 tuần lễ từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 8 năm 1945, Nhân dân Hoài Nhơn đã nổi dậy khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền về tay Nhân dân. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, ngày 3 tháng 9 năm 1945, tại sân vận động Tam Quan, hàng vạn đồng bào trong toàn huyện họp mitinh chào mừng lễ thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời phủ Hoài Nhơn, sau đó tại các tổng, làng trong toàn huyện, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời cũng được thành lập.

Cấm An Sơn trong những ngày cách mạng Tháng Tám hào hùng của dân tộc, là mảnh đất nuôi dưỡng và che chở cho cách mạng Hoài Nhơn trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Thời gian đã trôi qua, địa danh Cấm An Sơn mãi đi vào lịch sử, thơ ca của Hoài Nhơn nói chung và Hoài Châu nói riêng, như một sự kiện không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

DÂNG HƯƠNG

Để tưởng nhớ công ơn, tri ân những đóng góp của các bậc tiền bối, cha anh đã có những đóng góp và hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Xin mời quý khách thắp hương tưởng niệm

 (Sau khi dâng hương xong)

Và để ghi lại những kỉ niệm thật đẹp với mảnh đất Hoài Châu anh hùng, xin mời quý vị cùng chụp những tấm hình lưu niệm thật ý nghĩa.

KẾT THÚC

Kính thưa quý vị!

Để ghi dấu sự kiện lịch sử đấu tranh của quần chúng Nhân dân Hoài Nhơn dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp và Nhân dân xã Hoài Châu đầu tư kinh phí xây dựng bia tưởng niệm vào năm 1995. Đến năm 2005, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Bình Định công nhận Cấm An Sơn là Di tích lịch sử cấp Tỉnh.

 Hiện nay, di tích Cấm An Sơn được đưa vào quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan về di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nơi tổ chức các hoạt động về nguồn hấp dẫn cho thanh thiếu niên, các tầng lớp nhân dân và du khách gần xa, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, tăng cường sự gắn kết cộng đồng, quyết tâm xây dựng xã Hoài Châu ngày càng văn minh và giàu đẹp.

Cuối cùng, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý khách đã theo dõi, lắng nghe và dành thời gian, cũng như tình cảm cho quê hương chúng tôi.

 Kính chào và hẹn gặp lại.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề

Nội dung đang cập nhật...