Bình Định có một mạch nguồn văn hóa rất xa xưa, nếu nói phía Bắc có nền văn hóa Đông Sơn, phía Nam có nền văn hóa Óc Eo thì Bình Định, trung điểm của khu vực miền Trung có nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Chămpa nổi tiếng. Thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa phải nói là hết sức đồ sộ và cổ xưa, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước văn hóa Bình Định vừa lan tỏa vừa tiếp thu những giá trị của các nền văn hóa khác để bồi đắp, làm phong phú cho mình.

 

Người Bình Định rất đổi tự hào và luôn có ý thức bảo tồn, lưu giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống của ông cha để lại, làm giàu cho cuộc sống hôm nay. Ai đã một lần đến Bình Định chắc không bao giờ quên những ngọn Tháp Chămpa cổ kính, xây dựng cách đây hàng mấy trăm năm nhưng vẫn ngạo nghễ Trơ gan cùng tuế nguyệt, đẹp đến ngây ngất bởi lối kiến trúc tinh xảo và chứa đựng nhiều huyền bí. Và trong cái nền của văn hóa - văn minh cổ xưa ấy, đất Bình Định luôn luôn là nơi phát tích những dòng, những trào lưu văn hóa hết sức độc đáo. Có nhiều ý kiến cho rằng nghệ thuật tuồng đạt đến trình độ cổ điển, là vốn quý của dân tộc đã phát triển rực rỡ trên mảnh đất Bình Định gắn với tên tuổi nhà soạn tuồng xuất sắc Đào Tấn.

Dưới thời khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, ba anh em họ Nguyễn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ sau khi quét sạch thù trong, giặc ngoài đã xây dựng nền văn hóa Tây Sơn với tư cách như một cuộc cách mạng về văn hóa, trong đó đề cao chữ Nôm mở đường cho văn hóa dân tộc phát triển đi liền với chủ quyền và độc lập dân tộc. Đầu thế kỷ XX trong dòng thơ văn tiền chiến 1930 – 1945 với phong trào thơ mới, Bình Định cũng được đánh giá là nơi bùng phát một trào lưu sáng tác cùng với những thi hào xuất sắc như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Cù Huy Cận… Trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, văn hóa Bình Định cũng góp một phần không nhỏ cho sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước. Còn nhớ, những năm tháng hào hùng đó, cùng với phong trào Tiếng hát át tiếng bom, tiếng loa hòa tiếng súng của cả nước, Ca kịch bài chòi và tuồng Bình Định đã từng vang lên khắp vùng căn cứ kháng chiến và cả trong vùng địch hậu qua làn sóng phát thanh của Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam, cổ vũ và nuôi dưỡng những tâm hồn kháng chiến, đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc v.v. 

 

Những nét chấm phá của văn hóa Bình Định đã qua là như vậy nhưng những gì của văn hóa Bình Định cho hôm nay và ngày mai là hết sức quan trọng, cần phải được định ra cho văn hóa một hướng đi phù hợp với quy luật phát triển xã hội, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Bởi vì nói đến văn hóa tuy là động lực phát triển kinh tế - xã hội nhưng văn hóa lại phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, cho nên đặt vấn đề văn hóa Bình Định với cái nhìn tương lai thì văn hóa Bình Định cũng chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế của tỉnh; vì vậy nhận định văn hóa Bình Định đi tới đâu, diện mạo như thế nào trong tương lai là hết sức cần thiết. Thực ra, những vấn đề về văn hóa của Bình Định mang tính chất chung nhất đã được định hướng trong các Nghị quyết về văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà gần nhất, cụ thể nhất là Nghị quyết Hội nghị lần 5 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cụ thể hóa của Nghị quyết này, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Đề án chiến lược phát triển văn hóa thông tin đến năm 2010 và hàng loạt Đề án khác nhằm thúc đẩy,cởi trói cho văn hóa - nghệ thuật phát triển. Có thể nói hàng loạt các Chính sách, Đề án mới về văn hóa - nghệ thuật được ban hành đã khuyến khích rất nhiều cho văn hóa Bình Định phát triển; đó là những cái gậy để các nhà làm văn hóa đề ra cho mình một hướng đi cụ thể, thiết thực theo hướng bảo đảm cho văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

 

Nhìn một cách tổng quan thì văn hóa Bình Định không nằm ngòai định hướng chung của văn hóa Việt Nam hoạt động trong cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Khi đặt vấn đề cụ thể của hướng đi nào để văn hóa Bình Định đi tới tương lai chắc chắn phải dựa vào đặc điểm của vùng miền và thế mạnh Bình Định có. Văn hóa Bình Định muốn có một cuộc bứt phá ngoạn mục thì phải bám sát vào cội rễ của văn hóa truyền thống vốn rất phong phú và đa dạng, bởi đây là cái nền vững chắc nhất. Phát triển văn hóa Bình Định, trước hết có lẽ phải đi từ hệ thống di tích lịch sử văn hóa. Nghĩa là phải biết phát huy thế mạnh của các di tích này để khai thác, giới thiệu những giá trị của chúng ra bên ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, Bình Định hiện nay có 260 điểm di tích và danh thắng đang được quy hoạch. Trong số này, đến nay có trên 30 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, khoảng trên 50 di tích được UBND tỉnh công nhận, còn lại đang được khảo sát, xây dựng hồ sơ để xác định mức độ giá trị của từng di tích, ứng với cấp nào thì cấp đó công nhận. Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định chứa đựng tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Bình Định, phổ biến nhất là các nhóm: di tích về văn hóa Chămpa xưa, di tích về Tây Sơn - Nguyễn Huệ, di tích về kháng Pháp và Cách mạng, di tích kháng chiến chống Mỹ và di tích  thắng cảnh - danh lam. 

 

Dòng văn hóa phi vật thể ở Bình Định vô cùng phong phú như: Hoạt động lễ hội, hát bội (tuồng), nhạc võ Tây Sơn, ca kịch bài chòi, múa hát bá trạo của cư dân miền biển… là những món ăn tinh thần đặc sắc không những đối với nhân dân Bình Định mà nó còn là đặc sản  để giới thiệu ra ngoài tỉnh và khách quốc tế. Các lễ hội mang tính chất truyền thống và đậm chất dân gian nếu được duy trì, phát huy cũng sẽ là bộ mặt văn hóa tương lai của Bình Định như: Lễ hội chiến thắng Đống Đa (Tây Sơn), Lễ hội cầu ngư (các xã ven biển), Lễ hội chợ Gò (Tuy Phước), Lễ hội văn hóa - thể thao miền núi, Lễ hội văn hóa - thể thao miền biển… và vô số các lễ hội mang tính chất tín ngưỡng và giàu tính nhân văn của ba dân tộc thiểu số miền núi: Bana, Chăm, H’re sống trên đất Bình Định là mạch nguồn bồi đắp nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Và dĩ nhiên các loại hình văn hóa kể trên phải được nâng cao, cải biên cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ mới.

 

Văn học dân gian và văn  học bác học ở Bình Định cũng là một thế mạnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Điều đó được chứng minh đội ngũ sáng tác hiện nay ở Bình Định ngày một đông, các lứa tuổi đều có; những năm qua nhiều tác phẩm của họ đạt các giải cao trên nhiều lĩnh vực từ: mĩ thuật, hội họa, thơ, nhạc cho đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống. Văn học dân gian vẫn còn đây những nghệ nhân, những lớp kế tiếp nối bước ông cha giữ gìn những câu hát đối đáp, những  miếng biểu diễn tuồng hay, những bài dân ca và hát bài chòi cổ, cùng với những trò chơi dân gian trong các lễ hội, những phong tục tập quán tốt đẹp của người Bình Định mãi mãi điểm tô cho bộ mặt văn hóa Bình Định.

 

Văn hóa Bình Định tương lai còn biết tiếp thu những tinh hoa văn hóa của các vùng miền  trong cả nước và nhân loại; sở dĩ đề cao việc tiếp thu cái hay, cái đẹp của văn hóa các vùng khác cũng là yêu cầu không thể thiếu ở bất cứ một dòng văn hóa nào khi muốn tồn tại và phát triển. Văn hóa Bình Định có hội nhập với thế giới bên ngoài hay không thì yếu tố tiếp thu, bồi đắp, tiếp biến làm phong phú cho mình là rất quan trọng. Trong thế giới của thời kỳ đại công nghiệp, văn hóa Bình Định không những vừa giữ cho mình một nét riêng như Huế có ca múa Cung đình, đồng bằng Bắc bộ có chèo, Nam bộ có cải lương, Tây nguyên đàn T’rưng v.v. mà còn phải bảo đảm sự hòa đồng trong nền văn hóa đa sắc màu nhưng thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

 

Tuy nhiên, để có một vùng văn hóa phát triển, Bình Định cũng đang gặp nhiều khó khăn thử thách. Đó là những mặt trái của cơ chế thị trường, một khi phải hạn chế những tư tưởng đề cao đồng tiền và danh lợi hoặc thương mại hóa văn hóa. Những khó khăn thử thách này, thực tế những năm vừa qua, Bình Định cũng đã gặp phải và đang cố gắng hạn chế không để chúng  làm cản trở trong sự phát triển chung của văn hóa Bình Định.

 

Ngày nay với các chính sách chiêu hiền đãi sĩ của UBND tỉnh, tầng lớp trí thức, đội ngũ làm công tác văn hóa - nghệ thuật ở Bình Định ngày một trưởng thành. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng để tạo nên vóc dáng văn hóa Bình Định trong tương lai. Đó sẽ là động lực thúc đẩy một cách trực tiếp cùng cả nước tiến tới xây dựng một nền văn hóa Việt Nam, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, chuẩn bị cho mình hành trang tốt nhất đi vào thế kỷ XXI .

 

 

CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC

Dân tộc Bana (Bơhnar – Bahnar)

Người Bana thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme. Ngoài tên gọi Bana ra, người Bana ở từng vùng, từng địa phương còn có những tên gọi khác nhau như Gơlar, Tơlô, Giơ lâng (Y lăng), Rơ ngao, K’riêm, Roh, Conkđeh, A la kông, K’pơng kông, Bơ nâm …

Dân tộc Bana (Bơhnar - Bahnar)

Dân tộc Bana là một dân cư bản điạ lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, có một nền văn hoá cổ truyền thống khá hấp dẫn, lý thú được xếp vào hàng thứ 12 trong 53 các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Ở Bình Định người Bana cư trú trong các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, và 3 xã ở huyện Hoài Ân, 1 xã 3 làng của huyện Tây Sơn.

Người Bana ở Hoài Ân mới từ Vĩnh Thạnh chuyển cư sang. Người Bana ở Vân Canh trong quá trình tồn tại và phát triển đã trao đổi văn hoá rất mạnh với người Kinh, đặc biệt là người Chăm sống kề cận. Hiện tượng trao đổi, giao lưu, ảnh hưởng văn hoá giữa người Chăm và người Bana ở Vân Canh đã hình thành nên trạng thái đan xen văn hoá rất đặc thù ở nơi đây. Chính vì thế người Bana ở Vĩnh Thạnh hiện còn giữ được nhiều nét văn hoá  đặc thù tộc người nhất trong số những người Bana ở Bình Định.

Dân tộc Bana (Bơhnar - Bahnar)

Dân tộc Bana (Bơhnar - Bahnar)

Người Bana ở Vĩnh Thạnh được cộng đồng người Bana trong vùng gọi là Bana K’riêm. Ngữ nghĩa của người Bana K’riêm hiện nay có nhiều cách giải thích khác nhau. Đa phần ý kiến của người dân Bana ở Vĩnh Thạnh thừa nhận: Danh từ K’riêm có ý nghĩa chỉ người Bana ở vùng thấp, sống quanh vùng Đak K’riêm. Người Bana ở Vĩnh Thạnh cho rằng: Xét vế mặt nguồn gốc họ có cùng nguồn gốc với người Bana ở Gia Lai.

Trong khi đó người Bana ở Vân Canh lại được gọi là Bơhna - Chămroi, hay Bana Bằng hường. Về nguồn gốc xa xưa của bộ phận Bana ở Vân Canh hiện nay có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Có ý kiến gợi ý rằng: có thể xưa kia người Bana ở đây chính là người Ma đa mà bia ký Chàm đã nói đến. Qua môt quá trình đấu tranh sinh tồn và chịu những biến động của lịch sử, người Bana ở vùng ven biển đã dần chuyển lên vùng cao hơn để sinh sống. Nhưng một số ý kiến khác lại xếp người Bana ở Vân Canh thành một bộ phận riêng gọi là Bana – Chăm.

Như thế, dù có nhiếu ý kiến khác nhau về người Bana ở Vĩnh Thạnh, ở Vân Canh nhưng trên những nét lớn chúng ta có thể khẳng định người Bana ở Bình Định là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng Bana. Người Bana ở Bình Định hiện nay vẫn còn giữ lại được nhiều nét văn hoá của cộng đồng Bana nói chung. Tuy nhiên trong quá trình di cư, xáo trộn, sống xen kẻ, cận cư, người Bana ở Bình Định (nhất là người Bana ở Vân Canh) đã tiếp xúc, đan xen nhiều yếu tố văn hoá của người Chăm, người Kinh (Việt) sống bên cạnh.

Dân tộc H’rê

Dân tộc H'rê

Dân tộc H'rê

Trong quá trình sinh tồn và phát triển của mình, người H’rê mang nhiều tên gọi khác nhau. Đồng bào H’rê tự gắn tên mình theo tên sông, suối nơi đồng bào cư trú. Ví như ở Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) có con nước Rvá, gọi là “người Rvá”, ở Ba Tơ có con sông Liên gọi là “người nước Liên” … H’rê là tên gọi của một  đoạn thượng nguồn sông Trà Khúc, chảy qua vùng đồng bào cư trú và đã trở thành tên gọi chính thức của dân tộc này.

Ở miền núi Bình Định, người H’rê cư trú tập trung ở huyện An Lão. Chính vì thế khi nói đến người H’rê ở Bình Định chúng tôi đặc biệt lưu ý tới người H’rê ở huyện An Lão.

Dân tộc H'rê

Dân tộc H'rê

Người H’rê sống rất tập trung trong các xã của huyện An Lão. Người H’rê dù sống ở Bình Định (An Lão, Vĩnh Thạnh), Gia Lai hay ở Quãng Ngãi (Nghĩa Hành, Mộ Đức) đều thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me miền núi. Về nguồn gốc của người H’rê hiện vẫn còn có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Tuy nhiên, bản thân người H’rê lại coi miền Tây Bình Định (An Lão), Quảng Ngãi (Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng, Tư Nghĩa) là vùng đất mà tổ tiên họ đã khai phá từ xưa. Trong các truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc, người H’rê thường nhắc nhiều đến tên các ngọn núi Mùn, Rin, và xem đó như là vùng đất khởi thuỷ của dân tộc. Người H’rê ở Bình Định, Quảng Ngãi trong sinh hoạt kinh tế có một điểm khá đặc thù là bên cạnh canh tác nương rẫy, dân tộc này từ rất sớm đã biết canh tác lúa nước theo phương pháp “dẫn thuỷ nhập điền”

Dân tộc Chăm

Dân tộc Chăm

Dân tộc Chăm

Người Chăm (Chăm Hroi) ở Bình Định, Phú Yên có mối quan hệ mật thiết với nhau và có một quá trình phát triển vừa chung, vừa riêng rất đáng được chú ý trong cộng đồng Chăm (Chàm) trên phạm vi cả nước.

Ở Bình Định, người Chăm cư trú tập trung ở huyện Vân Canh. Ở huyện Vân Canh, người Chăm sống xen cư với người Bana và người Kinh. Người Chăm ở huyện Vân Canh tỉnh Bình Định có khá nhiều tên gọi và tên tự gọi khác nhau: Chăm Hroi, Hroi, A roi, Chăm ĐắcRây, Chăm Hơđang, Chăm Đèo … Theo đồng bào Chăm ở Vân Canh, Chăm Hroi (hay Hroi, A roi) chỉ là những người Chăm ở vùng cao, là người Chăm ở vùng núi. Chăm ĐắcRây hay Chăm Hơđang là Chăm phía mặt trời mọc. Đồng bào Chăm giải thích: Trước kia người Chăm sống ở vùng thấp, vùng mặt trời mọc, sau đó họ mới chuyển lên vùng cao (vùng có tên là Hroi). hiện nay người Chăm ở Vân Canh rất tự hào khi gắn ý nghĩa Chăm với nghĩa “Chăm mặt trời mọc”. Còn Chăm Đèo (không có nghĩa chỉ người Chăm ở bên kia đèo) mà tên người Chăm ở Phú Yên gọi người Chăm ở Vân Canh … Hiện nay trong giới khoa học chưa có một kết luận chắc chắn về nguồn gốc người Chăm ở Bình Định và ở Phú Yên. Giới khoa học khẳng định ngưới Chăm (Chăm Hroi) ở Bình Định, Phú Yên là một bộ phận trong cộng đồng Chăm (Chàm) ở Việt Nam

Có thể gốc gác của người Chăm ở Bình Định, Phú Yên vốn là những người Chàm cổ. Những người Chàm cổ này sau sự kiện thất bại của vua Chiêm Thành ở thành Đồ Bàn, đã chạy dạt lên miền núi rồi tụ cư ở đó. Trong quá trình sinh sống ở miền núi, do tách biệt với cộng đồng ban đầu, do giao lưu và chịu ảnh hưởng của người Bana sống trước đó nên trong văn hoá của bộ phận “Chăm miền núi” này dần dần xuất hiện những yếu tố văn hoá mới. Những yếu tố văn hoá mới hình thành đó càng được củng cố và phát huy khi mà quá trình cận cư, xen cư được đẩy mạnh với tốc độ lớn trên đất Vân Canh vào những thời gian sau này.

Cũng có thể họ là những nhóm địa phương của người Chàm cổ, đã có mặt trên đất Bình Định, Phú Yên trước đó. Những nhóm địa phương tộc người này trong quá trình tồn tại và phát triển của  mình vừa mang những yếu tố của văn hoá nguồn cội (văn hoá Chàm), vừa mang những yếu tố văn hoá khác nguồn cội do sự thay đổi của môi trường sống tạo nên.

GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HOÁ CÁC DÂN TỌC THIỂU SỐ BÌNH ĐỊNH

Các dân tộc Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định trong quá trình tồn tại và phát triển đã hình thành nên những bản sắc văn hoá vừa mang đặc trưng riêng của cộng đồng dân tộc, vừa mang đặc trưng chung của khu vực, của quốc gia đa tộc người. Những bản sắc văn hoá riêng của người Chăm, người Bana, người H’rê ở Bình Định rất phong phú và đa dạng được thể hiện trên các lĩnh vực văn hoá sản xuất, văn hoá đảm bảo đời sống, văn hoá chuẩn mực xã hội và văn hoá phi vật thể. Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, trở thành các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Đó là những nét đẹp trong truyền thống sản xuất, trong cách ăn, ở, mặc, trong cách đối nhân xử thế, trong đời sống tâm linh hay trong văn học nghệ thuật … của cộng đồng các dân tộc Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định. Tuy nhiên, đứng trước những thay đổi và yêu cầu mới, những giá trị văn hoá truyền thống của người Chăm, Bana, H’rê bên cạnh mặt tích cực, phát huy tác dụng cũng có những mặt bộc lộ tiêu cực, cản trở trong công cuộc “công nghiệp hoá, hiện đại hoá” vùng nông thôn, miền núi hiện nay, việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá Chăm, Bana, H’rê của vùng đất này là rất quan trọng.

Đối với văn hoá sản xuất

Người Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định trong quá trình sống của mình đã có những ứng xử phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường rừng núi. Các dân tộc ở nơi đây trong xuất phát điểm đi lên làm ăn lớn XHCN có sự khác nhau: Người Chăm từ lâu đã biết đến nông nghiệp dùng cày, người H’rê bên cạnh kinh tế nương rẫy, có kinh tế lúa nước, trong khi đó đặc thù của người Bana là kinh tế nương rẫy … Nhưng nhìn chung hoạt động kinh tế trước đây của đồng bào các dân tộc chủ yếu dựa vào tự nhiên, mang tinh chất tự cung tự cấp, đóng kín. Như thế nhu cầu lớn đặt ra hiện nay đối với sản xuất kinh tế của các dân tộc Chăm, Bana H’rê ở Bình Định là cần phải nhanh chóng chuyển đổi tính chất của nền kinh tế, đưa nền kinh tế tự cung tự cấp đóng kín sang nền kinh tế sản xuất hàng hoá, thị trường. Cố nhiên đây là một việc làm rất khó khăn vì phải phá vỡ truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc: Sản xuất chủ yếu để tiêu dùng chứ không phải để buôn bán. Hơn thế nữa điều kiện miền núi khác xa với đồng bằng: dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng hết sức yếu kém, sức mua của người dân có hạn … cũng là những cản trở trong định hướng phát triển kinh tế hàng hoá. Nhưng nếu như chúng ta có sự quan tâm đúng mức, có sự đầu tư thoả đáng cho đồng bào các dân tộc, thì tin rằng những trở ngại trên sẽ dần dần được khắc phục, những thế mạnh trong kinh tế của người Chăm, người Bana, người H’rê sẽ được phát huy cao độ. Một số định hướng như sau:

Giải quyết lương thực tại chỗ bằng cách nơi nào có điều kiện thì phát triển cây lúa nước, còn nơi nào không có điều kiện thì trồng cây công nghiệp. Các dân tộc Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định hiện nay tuỳ từng mức độ nhưng dân tộc nào cũng có trồng cây lúa nước. Tuy nhiên, người H’rê ở An Lão vốn có thế mạnh, kinh nghiệm sản xuất lúa nước từ lâu nên cần tập trung đầu tư khoa học kỹ thuật nhiều hơn cho dân tộc này.

Định hướng phát triển kinh tế vườn. Phát triển kinh tế vườn phù hợp với thế mạnh vùng rừng núi và truyền thống sản xuất lâu đời của đồng bào các dân tộc. Phát triển kinh tế vườn còn là sự khắc phục tình trạng khai thác thiên nhiên bừa bãi đến mức cạn kiệt và góp phần phát triển kinh tế hàng hoá ở miền núi Bình Định hiện nay. Các dân tộc Chăm, Bana, H’rê, dân tộc nào cũng có khả năng phát triển kinh tế vườn.

Định hướng phát triển chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi trong vùng người Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định cần chú ý vào việc cải tạo con giống, đưa thêm các giống mới vào (cá, dê, ngỗng, có thể còn là hươu) và nhất là cần phát triển chăn nuôi trâu bò với quy mô lớn trên đồng cỏ Vân Canh, Vĩnh Thạnh.

Định hướng phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống. Các ngành nghề thủ công ở miền núi Bình Định như nghề dệt, nghề đan lát (phổ biến trong ba dân tộc: Chăm, Bana, H’rê), nghề rèn (tập trung ở người Chăm) …, có thời kỳ phát triển khá mạnh và trở thành niềm tự hào của người dân. Sản phẩm nổi tiếng của các của các nghề thủ công truyền thống này là các loại khố, váy, khăn và các loại gùi. Hiện nay các nghềnày đã bị mai một đi rất nhiều. Yêu cầu đặt ra khá cấp bách là cần phải đầu tư để phục hồi và phát triển các ngành nghề truyền thống của các dân tộc Chăm, Bana, H’rê.

Đối với văn hoá đảm bảo đời sống

Dân tộc Chăm dệt vải

Dân tộc Chăm dệt vải

Văn hoá đàm bảo đời sống là một trong những lĩnh vực văn hoá rất nhanh nhạy, trong việc tiếp thu, vay mượn hay đổi mới, canh tân. Chính vì thế muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên lĩnh vực này chúng ta cần có một  cách nhìn biện chứng, khoa học và năng động. Như thế theo chúng tôi trong việc xây dựng các làng định cư ở miền núi Bình Định, hiện nay chúng ta phải chú ý tới quy mô làng, tới nguồn gốc, tới điều kiện sản xuất và chú ý tới đặc trưng của một làng Chăm, Bana, H’rê trước đây (cấu trúc truyền thống của một làng Chăm thường là chặt chẽ, cân đối, hài hoà, trong khi đó của người Bana, H’rê là tập trung, quay quần và gói gọn). Chúng ta cần phải chú ý tới yếu tố bền vững, chắc chắn trong cấu trúc nhà sàn  của người Bana, H’;rê, hay yếu tố cân xứng, thoáng mát của nhà sàn người Chăm. Đối với việc ngày một gia tăng của xu hướng chuyển từ cư trú trong nhà sàn sang cư trú trong nhà đất ở người Chăm, Bana, H’rê hiện nay, chúng ta thấy các cấp bộ Đảng và chính quyền địa  phương cần có sự quan tâm, giải thích chu đáo, không nên phó mặc cho tình thế. Chúng tôi nghĩ rằng ở miền núi nếu mất đi những ngôi nhà sàn, hay các nhà rông, cũng có nghĩa là những giá trị văn hoá truyền thống đã bị mai một, đã bị mất đi. Như thế giữ lại những ngôi nhà nhỏ, xinh xắn (ở cả ba dân tộc Chăm, bana, H’rê), những ngôi nhà Rông to đẹp (ở người Bana), giữ lại những váy, áo, khăn đội đầu, đồ trang sức, giữ lại những cơm lam, cháo chua, phong tục uống rượu cần … là giữ lại những tài sản vô giá cho muôn đời con cháu mai sau. Cố nhiên bên cạnh đó những đặc tinh ăn uống lãng phí (nhất là trong những dịp hội hè, cưới hỏi, ma chay), ăn uống không hợp vệ sinh, nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn … chúng ta cần khắc phục, loại bỏ.

Cần giáo dục, khuyến khích, động viên đồng bào Chăm, Bana, H’rê sử dụng, mặc nhiều hơn những bộ váy áo, khăn đội đầu, đồ trang sức … mang đặc tính dân tộc. Chí ít trong những ngày lễ, ngày hội, ngày tết, ngày vui của đồng bào, động viên cho được mọi người mặc, trang sức theo lối dân tộc. Riêng đối với những gia đình khá giả, cần động viên họ mua sắm, sử dụng các phương tiện vật chất cao cấp như giường, tủ, bàn, ghế, đồ điện … Đó cũng chính là cách thức kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong công cuộc cách tân và đổi  mới hiện nay.

Đối với văn hoá chuẩn mực xã hội

Những  nét đẹp trong văn hoá chuẩn mực xã hội của đồng bào Chăm, Bana, H’rê tỉnh Bình Định được thể hiện qua thế ứng xử cộng đồng làng, họ tộc (đối với người Chăm, H’rê, huyết thống đối với người Bana), qua gia đình, hay cụ thể và bao trùm là qua mối quan hệ giữa con người với con người. Đó là lòng yêu quê hương, yêu lao động, là sự gắn bó với núi rừng, với dân tộc. Đó là sự mến khách, là tình cảm chân thành,mộc mạc, là truyền thống tôn trọng người già (truyền thống lão quyền). Đó là tính bình đẳng, tính dân chủ, tính cộng đồng trong đối nhân xử thế, tính bền vững trong đời sống hôn nhân gia đình … Trước những thay đổi của điều kiện sống, của xã hội hiện nay, yêu cầu đặt ra là phải biết trân trọng giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp đó. Điều đó cũng có nghĩa là với những đặc tính như tự ti, mặc cảm, cục bộ, địa phương, dân tộc hay tính bình quân … chúng ta cần phải loại bỏ. Chúng tôi cho rằng tính bình quân trong các dân tộc thiểu số ở Bình Định có ưu điểm là tạo nên thế quân bình hay cân bằng trong xã hội, nhưng khuyết điểm của nó là níu kéo, kìm hãm và nhất là không tạo nên được sự ganh đua, những “cú sốc lớn” trong sự phát triển.

Đối với văn hoá phi vật thể

Giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào người Chăm, Bana, H’rê tỉnh Bình Định được thể hiện qua sự đa dạng tín ngưỡng, cổ truyền, qua hệ thống lễ hội và nhất là qua sự phong phú của các loại hình nghệ thuật. Chúng tôi cho rằng những lễ hội đặc sắc của các dân tộc Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định như lễ hội đâm trâu, lễ  hội đầu xuân, lễ cúng liên quan đến chu kỳ sản xuất nương rẫy, lễ cúng máng nước hay các lễ nghi liên quan đến một đời người …, là những sinh hoạt văn hoá tinh thần không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào mà còn có tác dụng củng cố ý thức cộng đồng, giáo dục truyền thụ những kinh nghiệm liên quan đến sản xuất. Đặc biệt hiện nay trong đời sống văn hoá tinh thần các dân tộc Chăm, Bana, H’rê tỉnh Bình Định còn lưu giữ được nhiều vốn văn nghệ dân gian quý báu. Đó là các loại chuyện kể, các loại khan, H’amon, thơ ca dân gian, các hình thức và thể loại múa, các hội hoạ điêu khắc. Đó còn là sự phong phú của các loại hình nhạc cụ, của dàn nhạc cồng chiêng … Những giá trị văn hoá tinh thần trên đây đã trở thành niềm tự hào và cần phải được giữ lại không phải chỉ riêng cho con cháu người Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định mà còn cho cả cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Tóm lại, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Bình Định là bảo tồn và phát huy những thế mạnh trong kinh tế, trong ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Đó chính là sức mạnh về những giá trị văn hoá vật chất và văn hoá xã hội, văn hoá tinh thần mà người Chăm, người Bana, người H’rê đã sáng tạo nên và sống bền lâu cùng các dân tộc. Tuy nhiên, trong cuộc sống xây dựng xã hội mới hiện nay, bên cạnh bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đã được sàng lọc qua thời gian, chúng ta còn phải biết tiếp thu những tinh hoa của văn hoá thời đại, của những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Có như vây chúng ta mới xây dựng thành công “một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” như tinh thần của Nghị quyết lần thứ 5 (khoá 8) mà Đảng ta đã đề ra.

LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG

Các  dân tộc thiểu số ở Bình Định tuy chỉ chiếm 2% dân số toàn tỉnh, nhưng cư trú trên một vùng núi rộng lớn. Đó là nơi vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Cách mạng Nam Trung bộ nói chung và Tỉnh uỷ Bình Định nói riêng, là căn cứ địa của quân và dân tỉnh nhà trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nơi đó, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc cứu nước hào hùng của dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã nêu cao vai trò đấu tranh bất khuất, trung dũng và thuỷ chung sâu sắc. Dưới chế độ phong kiến , từ vùng đất này, nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc thiểu số đã liên tiếp nổ ra, tiêu biểu là phong trào đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Võ Lía (Võ Văn Don) chống chế độ hà khắc của chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1769). Cuối thế kỷ XVIII trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đồng bào các dân tộc thiểu số Bình Định ở vùng Tây Sơn Thượng đạo đã góp những công lao to lớn. Họ không những tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa, cùng với nghĩa quân xây dựng căn cứ địa đầu tiên của phong trào, mà còn che chở, đùm bọc một số tướng lĩnh và nghĩa quân trốn tránh sự trả thù tàn khốc và hèn mạc của vua quan nhà Nguyễn. Chính sử sách của nhà Nguyễn cũng đã thừa nhận điều đó.

Năm 1739, từ căn cứ Tây Sơn Thượng Đạo, nghĩa quân Tây Sơn tràn xuống đánh chiếm phủ Quy Nhơn, mở đầu cuộc chiến đấu ngót 20 năm dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ - Quang Trung, lật nhào ách thống trị phong kiến thối nát Nguyễn - Trịnh - Lê, đánh tan quân xâm lược Xiêm (1774 – 1775), Mãn Thanh (1788 – 1789), lập lại sự thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Trong những chiến công oanh liệt của đoàn quân chân đất cờ đào áo đỏ, nổi lên vai trò xung kích và trung kiên của  các đội quân voi và cung nỏ thiện chiến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định.

Cho đến nay, nhân dân vùng An Khê - Vĩnh Thạnh còn lưu truyền và gìn giữ những truyền thuyết, di tích về thời kỳ Tây Sơn hiển hách. Đó là chuyện “Chúa Xà Dàng và bầy ngựa rừng” phản ánh tài thu phục các già làng của Nguyễn Huệ. Những truyền thuyết về vực Lồng Đèn ở Con Roi (Vĩnh Hoà), cánh đồng Nguyễn Huệ và thành đá Kà Tơn (Vĩnh Sơn). Đặc biệt là đồng bào Bana vùng Vĩnh Sơn đã giữ gìn khẩu đại bác của nhà Tây Sơn và chăm sóc vườn cam Nguyễn Huệ. Khẩu đại bác đó hiện đang được trưng bày tại nhà bảo tàng QuangTrung ở Phú Phong - Tây Sơn, còn vườn cam ở làng Kon Truch xã Vĩnh Sơn. Ở các vùng Vân Canh, An Lão, theo tương truyền, nghĩa quân Tây Sơn do Quang Trung lãnh đạo đã chặn đánh cánh quân của Nguyễn Ánh tại cửa Thị Nại, Nguyễn Ánh và tàn quân bỏ chạy vào làng Đèo (nay thuộc làng Canh Giao xã Canh Hiệp), từ đó băng qua rừng đến Dạ Lộc (huyện Đồng Xuân,Phú Yên). Hiện nay trên địa bàn Vân Canh còn lại dấu tích căn cứ “Trại Đền” (nay thuộc làng Canh Giao xã Canh Hiệp) một xưởng sản xuất vũ khí thời Tây Sơn.

Trong phong trào Cần Vương chống Pháp (1885 – 1887) của nhân dân Bình Định, dưới cờ “Bình Tây đại nguyên soái” của Mai Xuân Thưởng (1860 – 1887), của Đào Doãn Lịch, Tăng Bạt Hổ, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã nổi dậy hưởng ứng mạnh mẽ, cùng nhau nô nức gia nhập nghĩa quân giết giặc cứu nước. Tại Vĩnh Thạnh vẫn còn lưu giữ những truyền thuyết và dấu tích về cuộc hội quân giữa nghĩa quân người Bana với nghĩa quân người Việt của phó tướng Tiểu. Nhiều vùng rừng núi ở Bình Định từng là trại sản xuất lương thực, rèn vũ khí thô sơ, vừa là nơi luyện tập quân sĩ, giam giữ tù binh của nghĩa quân. Đồng bào các dân tộc thiểu số không những nô nức tham gia nghĩa quân, hăng hái vận chuyển lương thực, vũ khí mà còn đóng góp cho phong trào Cần Vương những vị chỉ huy nghĩa quân anh dũng, tài ba như Đề binh Nguyễn Trung Thuận, Khiển binh Đỗ Nguyễn, các Quản Trấn, Quản Bờ, Quản Nguyễn … Đặc biệt là phong trào chăm lo hậu cần tại chỗ cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay đồng bào vẫn còn lưu truyền những tấm gương quyên góp lúa gạo cho nghĩa quân  như mẹ Năm Đá, Đỗ Thị Lài người Bana ở Vĩnh Thạnh.

Tinh thần cách mạng đó của đồng bào các dân tộc thiểu số Bình Định càng được nhân dân nhân lên gấp bội khi thực dân Pháp tấn công lên Bình Định. Đồng báo các dân tộc đã phản kháng quyết liệt để chống lại ách áp bức, bóc lột hà khắc, nhất là chống Pháp cướp đất lập đồn điền.

Từ đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống áp bức, bóc lột, giành quyền làm chủ núi rừng của đồng bào các dân tộc Chăm, Bana, H’rê đã liên tiếp nổ ra dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau …

Năm 1898, tại Vân Canh, đồng bào các dân tộc thiểu số dưới sự lãnh đạo của Võ Trứ đã trang bị dao, rựa, giáo, mác tập trung đến tỉnh lỵ sông Cầu để biểu tình đòi “khất thuế”, đòi trừng trị “bọn sâu dân mọt nước”

Trong thời gian từ năm 1902 – 1906 phối hợp với đồng bào ở Vĩnh Thạnh, người Chăm, Bana, H’rê ở trong vùng đã liên tục nổi dậy chống thực dân Pháp lên vùng rừng núi chiếm đất để thăm dò vàng, kền, cô ban … Đặc biệt từ 16/4/1908 đến 19/5/1908, đồng bào các dân tộc thiểu số Bình Định đã nổi dậy tịch thu sổ thuế của bọn tổng lý, cùng nhau kéo về tỉnh lỵ (nay là thị trấn An Nhơn) đòi trừng trị bọn gian ác, chống sưu cao, thuế nặng. Các ông Trưởng Các, Nguyễn Thiện, Ung Văn Lê, Ung Văn Diện, Trương Dị vừa là những chiến sĩ tiên phong của phong trào chống sưu thuế ở địa phương, vừa là những chiến sĩ “bắt cóc” cảm tử cùng đoàn quân khất sưu thuế tại thành Bình Định.

Đặc biệt từ năm 1937 đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Bình Định đã tham gia tích cực vào phong trào “Nước xu đỏ” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Tây Nguyên. Nội dung chính của phong trào là chống sưu, chống thuế, chống áp bức của thực dân Pháp, giành quyền làm chủ núi rừng. Phong trào “Nước xu đỏ” lúc đầu nổi lên mạnh mẽ ở vùng Đắc Tô, Đắc Sút. Mang Bút … rồi lan xuống miền Tây Quảng Ngãi và Bình Định. Phong trào “Nước xu đỏ” ở miền núi Bình Định bắt đầu từ năm 1937, đến mùa hè 1938 bùng lên với quy mô rộng lớn và hình thức đấu tranh quyết liệt.

Sau khi đón được “Nước thần” về (1938 – 1941) một phong trào chống Pháp rất mạnh mẽ đã thu hút nhiều dân tộc ở Bình Định tham gia. Đồng bào các dân tộc ở vùng núi tỉnh Bình Định dấy lên phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống bắt lính và đặt biệt là phong trào bất hợp tác với Pháp. Nhiều vùng, đồng bào đã thực hiện những cuộc “chạy làng” vào vùng rừng núi cao, cắt đứt mối liên hệ, sự kiểm soát của các đồn binh Pháp.

Có thể nói, từ khi Pháp đặt chân đến nước ta, suốt 80 năm thống trị, chúng chưa bao giờ “bình định” được miền núi Bình Định. Những chiến dịch vây, quét của chúng diễn ra liên tiếp nhưng đều thất bại, đồng bào vùng rừng núi Bình Định vẫn bất khuất, kiên cường chống trả kẻ thù bằng nhiều hình thức, nhất định không chịu hợp tác, không chịu làm nô lệ cho giặc.

Ngày 11/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, thừa lúc Pháp hoang mang dao động, đồng bào các dân  tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên đấu tranh quyết liệt. Điển hình là phong trào tập hợp thanh niên học sinh đấu tranh đánh đuổi giặc Pháp của ông Mang Thoong (người Bana), ông Mang Tân (Người Chăm) ở huyện Tuy Phước (nay là huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh …) các thanh niên tham gia phong trào đã đánh trọng thương tên tổng binh Pháp ở đồn Vân Canh.

Đầu tháng 5/1945 được sự giúp đỡ của Mặt trận Việt minh tỉnh, các đội tự vệ cứu quốc ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và nhiều nơi khác được ra đời. Trong những người con ưu tú của các đội cứu quốc có sự tham gia tích cực của các thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như đồng chí Mang Thoong (người Bana), Mang Tân ( người Chăm huyện Vân Canh), Bình Oying, Đinh Tôn (người Bana - huyện Vĩnh Thạnh).

Vào những ngày cuối tháng tám năm 1945 không khí Cách mạng sục sôi khắp toàn tỉnh. Ngày 23 - 8 Mặt trận Việt Minh đã giành được chính quyền. Ngay sau đó một phong trào mít tinh rầm rộ khắp các huyện miền núi Bình Định để chào mừng chiến thắng và tuyên bố độc lập chính quyền Cách mạng lâm thời. Trước phong trào Cách mạng đó, chính quyền địch ở các thôn, xã tan rã, các chánh tổng, lý trưởng phải nộp đồng triện (khuôn dấu) tài liệu cho chính quyền Cách mạng.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc thiểu số Bình Định đã hăng hái tham gia phong trào kháng chiến, biến rừng núi thành khu căn cứ của Cách mạng. Đó là phong trào “luống rau kháng chiến”, “đàn gà kháng chiến”, “lập quỹ nuôi quân”, “quà cho các chiến sĩ ở chiến trường”; đó là phong trào “mẹ nuôi”, “chị nuôi” trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc thương bệnh binh, phong trào thành lâp lực lượng du kích bảo vệ quê hương, động viên con em mình tòng quân nhập ngũ phát triển mạnh mẽ, rộng khắp đến từng làng. Sau Cách mạng tháng Tám, đội du kích của huyện Vân Canh, vĩnh Thạnh, An Lão đã trở thành những lực lượng vũ trang nòng cốt của Ủy ban hành chính kháng chiến các huyện.

Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã thi hành nhiều âm mưu thâm độc, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, khuyến klhích rộng rãi mê tín dị đoan, cúng bói, ma chay, đồng thời dụ dỗ, mua chuộc, bắt ép thanh niên các dân tộc làm bia đỡ đạn cho chúng. Chúng còn bao vây phá hoại kinh tế, bắt bớ tù đày, khủng bố đồng bào các dân tộc, hòng dập tắt tinh thần yêu nước, ý chí đấu thanh của đồng bào. Nhưng ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi so sánh giữa ta và địch, nhất là lực lượng vũ trang còn rất chênh lệch, đồng bào các dân tộc vẫn một lòng theo Đảng, cùng người Việt anh em đứng dậy chống ách kìm kẹp của giặc. Trong khi Mỹ - ngụy tìm mọi cách thiết lập chính quyền tay sai ở vùng miền núi Bình Định, ở Vĩnh Thạnh và nhiều xã vùng cao An Lão, Vân Canh, tổ chức cơ sở hoạt động bí mật đơn tuyến mỗi làng từ 3 - 5 người đã được thiết lập để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Đến đầu năm 1960, ở Vĩnh Thạnh đã tổ chức đại hội đại biểu nhân dân tự quản huyện và đến 1964 có thêm 2 huyện An Lão, Vân Canh thành lập được Ủy ban nhân dân tự quản các cấp huyện - xã - làng ở vùng đồng bào các dân tộc.

Cuối 1956 – 1957, phong trào diệt tề trừ gian phát triển ở các huyện miền núi tỉnh Bình Định. Ở An Lão, tháng 6/1957, đồng bào các dân tộc đã bí mật diệt tên Thể - một mật vụ ác ôn xã Ân Tường và tên Nhiêu xã An Toàn, làm cho bọn ngụy quyền ở đây hết sức lo sợ. Tháng 6 – 1957, bọn Mỹ - ngụy thực hiện hàng loạt chiến dịch tố cộng nhưng thất bại. Tháng 11/1957 địch lập ra kế hoạch dồn dân các xã vùng cao, vùng giáp ranh giữa ta và địch vào các chi khu để thực hiện chiến lược “Tát nước bắt cá”. Ở Vĩnh Thạnh, chúng chọn các làng Hà Ri, Đe Tolok, Konklót làm thí điểm. Đồng bào dưới sự lãnh đạo của Đảng dựa vào phong tục và tập quán giằng co không chịu đi, đấu tranh quyết liệt với địch, mãi đến cuối 1958 chúng vẫn không thực hiện được kế hoạch dồn dân.

Từ khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng soi sáng cán bộ và nhân dân các dân tộc ở miển núi Bình Định đã kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa diệt ác trừ gian với chống lập tề, ngụy, giữa chống đoàn ngũ hoá của giặc với xây dựng lực lượng … Trên cơ sở đó, các lực lượng vũ trang đã vận dụng sáng tạo các phương pháp và hình thức tác chiến, đánh địch bằng mọi vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, trên mọi địa hình, trong mọi thời tiết và đặc biệt là phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân với ưu thế của núi rừng. Lịch sử mãi mãi còn ghi lại những chiến công anh hùng của nhân dân các dân tộc thiểu số ở Bình Định như cuộc khởi nghĩa ở huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 2/2/1959, hay thắng lợi trong chiến dịch An Lão 1964 …

Một đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc ít người ở miền Tây Bình Định là xây dựng các căn cứ và nuôi dưỡng lực lượng kháng chiến. Vùng rừng núi Trường Sơn ở Bình Định, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là căn cứ của các huyện đồng bằng của tỉnh Bình Định và của các tỉnh Trung Trung bộ. Đồng bào các dân tộc đã cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo vệ an toàn khu căn cứ. Đồng bào còn đóng góp sức người, sức của cho việc nuôi dưỡng, phát triển lực lượng vũ trang giải phóng. Nhiều nơi đồng bào đói chỉ ăn sắn, ăn rau còn lúa gạo làm ra đều để giành cho kháng chiến.

Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, các dân tộc thiểu số ở miền núi Bình Định đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng đất nước, đã xuất hiện nhiều đơn vị và cá nhân anh hùng tiêu biểu cho các dân tộc Chăm, Bana, H’rê ở Bình Định đã cùng với nhân dân cả nước lập nên một kỳ tích vĩ đại - giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước vào năm 1975.

Ban biên tập (tổng hợp)