Đồi  Mười - Gia Hiệu, Hoài Châu (nay thuộc xã  Hoài Châu Bắc) là ngọn đồi cao khoảng 36 m, rộng 7,2 Km2, nằm gần kề Quốc lộ  1A, cách Chi khu quận lỵ Tam Quan 3 km về phía Bắc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng.

Ảnh : Đồi Mười nhìn từ NTLS xã H.Châu Bắc

      Do vậy, Đầu năm 1963, Mỹ ngụy đã chiếm đóng và xây dựng Đồi 10 thành căn cứ quân sự trọng điểm nhằm khống chế các xã phía Bắc huyện, làm lá chắn cho chi khu quận lỵ Tam Quan và là căn cứ án ngữ tuyến giáp ranh giữa vùng I và vùng II chiến thuật của địch, là chỗ dựa để củng cố tinh thần bộ máy ngụy quyền hai xã Hoài Sơn, Hoài Châu và là điểm co cụm cố thủ của ngụy quân, ngụy quyền khi bị quân ta tấn công. Chúng xây dựng ở đây 01 sân bay trực thăng, 01 trận địa pháo 105 ly và hệ thống bố phòng dày đặt với quân số gồm 01 trung đội pháo binh, 01 đại đội bảo an, 01 tổng đoàn dân vệ. Mục tiêu của chúng là càn quét, dồn dân, lập ấp chiến lược, ngăn chặn việc mở rộng vùng giải phóng của ta.

      Đồi 10 là điểm giao tranh, giành giật ác liệt, liên tục giữ ta và địch suốt trong kháng chiến chống Mỹ, tiêu biểu nhất là chiến thắng đêm mồng 7 rạng ngày 07/2/1965 (tức đêm Mồng 4, rạng sáng Mồng 5 Tết Ất Tỵ ), bộ đội chủ lực Quân khu V phối hợp với bộ đội địa phương đã tiêu diệt 1 đại đội bảo an, 4 trung đội dân vệ, toàn bộ ngụy quyền ác ôn 02 xã Hoài Sơn, Hoài Châu, tịch thu 02 súng đại bác 105 ly, 02 xe quân sự và nhiều vũ khí khác, mở rộng vùng giải phóng khu vực phía Bắc Hoài Nhơn.

      Năm 1966, quân Mỹ- Nguỵ càn quét ác liệt với quy mô lớn hòng chiếm lại Đồi 10. Với quyết tâm giành dân giữ đất, một đại đội của Sư đoàn Sao Vàng phối hợp vối du kích và nhân dân địa phương đánh trả quyết liệt, ta đã tiêu diệt 500 tên địch, bắn rơi 20 máy bay địch. Tổ du kích của đồng chí Nguyễn Niệm đã chiến đấu đến người cuối cùng, trước lúc hy sinh, các anh đã hát vang bài ca “ giải phóng miền Nam”, nêu cao khí phách chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm cho kẻ thù khiếp sợ.

      Mùa Xuân 1968, hàng ngàn nhân dân Hoài châu tiến công vào bao vây Đồi 10. Bọn địch bắn xả vào đoàn người biểu tình. Anh Ngô Bàn xông lên phía trước nằm đè lên lựu đạn, nhận lấy sự hy sinh cao cả để nhân dân khỏi bị thương vong. má Ngung nắm lấy nòng súng địch đang nhả đạn chỉa thẳng lên trời để đoàn biểu tình thúc giục đồng bào tiến lên phía trước…buộc chúng phải ngừng nổ súng và cứu người bị thương. Chị Trần Thị Liên – người con gái Hoài Châu anh hùng trước lúc hy sinh đã hô vang khẩu hiệu: “ Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam muôn năm! Việt nam nhất định thắng Mỹ”.

      Tháng 3 năm 1975, với khí thế vùng lên của cả dân tộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang và nhân dân Hoài Nhơn đồng loạt mở chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy bao vây hệ thống đồn, bót địch trong toàn huyện. Trước sức mạnh tiến công như vũ bão của quân và dân ta, bọn địch tháo chạy, ta làm chủ hoàn toàn Đồi 9, Đồi 10, tiếp tục bao vây phong tỏa chi khu quận lỵ Tam Quan, Bồng Sơn để tiến lên giải phóng hoàn toàn huyện nhà sớm nhất trong toàn tỉnh.

Cứ điểm Đồi 10 từ khi hình thành (1963) đến lần tháo chạy cuối cùng của địch (1975) liên tục là điểm nóng, điểm tranh chấp một mất một còn giữa ta với  địch. Nơi đây là mồ chôn của hàng ngàn lính Mỹ ngụy, đủ các loại binh chủng. Thất thủ cứ điểm Đồi 10 đã phá vỡ hoàn toàn kế hoạch dồn dân lập ấp chiến lược của địch trên địa bàn Hoài Nhơn - Bình Định; đánh dấu sự phá sản chiến lược ‘chiến tranh đặc biệt” và các chiến lược - chiến tranh khác của Mỹ ngụy, góp phần giải phóng hoàn toàn miền nam thống nhất đất nước.

Năm 1994, Đồi 10 đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử và năm 2006 di tích này được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.